Đề phòng dịch viêm não Nhật Bản từ trước khi vào mùa

Theo TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Bệnh viện Nhi Trung ương, dù chưa vào mùa cao điểm nhưng Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhi được chẩn đoán xác định mắc viêm não Nhật Bản. Theo TS. Hải, đây là bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong mùa hè năm nay.

Tiền sử tiêm chủng không rõ ràng.

“Bệnh nhi kể trên đến từ tỉnh Hòa Bình, tiền sử tiêm chủng không rõ”- TS. Hải cho biết. Mặc dù bệnh nhân viêm não Nhật Bản có thể xuất hiện rải rác trong năm, nhưng cao điểm vẫn là tháng 4-7 hàng năm, có khi mùa cao điểm còn kéo dài đến tháng 8. Bệnh nhi kể trên là bệnh nhi đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản ghi nhận được trong mùa hè này.

Tuy nhiên TS.Hải cho rằng rất cần cảnh giác và tiêm chủng đủ mũi cho trẻ, do nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng từ tháng 5 này, khi thời tiết tiếp tục nóng lên. Đặc biệt là tại khu vực miền Bắc (các tỉnh thành như Sơn La, Hà Nội, Điện Biên, Hòa Bình…) từng ghi nhận bệnh nhân nhiều năm nay.

“Trẻ cần tiêm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản khi đủ 1 tuổi (2 mũi cách nhau 2 tuần) và mũi 3 sau đó 1 năm. Sau đó cần tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản sau mỗi 5 năm”- ông Hải hướng dẫn.

.

Hình ảnh trẻ được khám sàng lọc trước tiêm vắc xin viêm não nhật bản

Tỷ lệ di chứng cao

Mặc dù kỹ thuật điều trị cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản đã tốt hơn trước đây rất nhiều, nhưng theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản có di chứng về sau vẫn khoảng 50%, không giảm nhiều so với trước đây.

“Các di chứng có thể gặp bao gồm cả di chứng về thần kinh và vận động, ảnh hưởng lâu dài về sau này với các cháu”- ông Hải khuyến cáo. Hiện vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào tiêm chủng thường kỳ tại trạm y tế xã. Các bậc phụ huynh lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng căn bệnh nguy  hiểm này.

Dự án TCMR 

Các tin khác