Dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại Mông Cổ
Mặc dù đã công bố loại trừ bệnh sởi từ 2014 và tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung vào thời điểm tháng 5-6 năm 2015 khi dịch có dấu hiệu tái xuất hiện, nhưng số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng và dịch kéo dài sang đến năm 2016, với 2 nhóm mắc chính là trẻ dưới 1 tuổi và nhóm người trẻ 18-30 tuổi.
Mông Cổ là 1 quốc gia Châu Á với dân số khoảng 3 triệu người. Vắc xin sởi được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Mông Cổ từ năm 1973, từ năm 2010 không ghi nhận ca mắc sởi và quốc gia này đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận loại trừ bệnh sởi năm 2014.
Tuy nhiên dịch sởi bùng phát liên tục từ tháng 3-2015 tại Mông Cổ, với 2 đỉnh điểm dịch vào tháng 5-2015 vào tháng 2- 2016 trên phạm vi cả nước, bao gồm cả thủ đô Ulan Bator và các tỉnh lân cận. Trong 2 năm 2015-2016, Mông Cổ ghi nhận 53.228 trường hợp mắc sởi với 140 ca tử vong. Đối tượng mắc sởi chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 1 tuổi và thanh niên tuổi từ 18-30 tuổi.
Ảnh: UNICEF/Brian Sokol
Tại Hội nghị tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng và các bệnh có vắc xin dự phòng phòng khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2016 tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua tại Manila, đại diện Bộ Y tế Mông Cổ đã chia sẻ một trong những nguyên nhân dịch sởi bùng phát là do tỷ lệ tiêm chủng được báo cáo quá cao, trong khi thực tế vẫn có những khoảng trống miễn dịch ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Một phần nguyên nhân của tình trạng bùng phát dịch sởi còn do nhân viên y tế cho rằng bệnh sởi đã được loại trừ tại quốc gia này, dẫn đến sự chậm chễ trong việc phát hiện và khống chế dịch bệnh.
Mông Cổ đã tổ chức 2 đợt chiến dịch tiêm chủng bổ sung trên toàn quốc vào tháng 5-6 năm 2015 cho 370.000 trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, tỷ lệ bao phủ đạt 93,4%. Tiếp theo vào tháng 5-2016 vừa qua, 624.000 thanh niên từ 18-30 tuổi đã được tiêm bổ sung vắc xin sởi với tỷ lệ tiêm chủng đạt 88,3%. Chính phủ nước này cũng đã chi 2 triệu đô la Mỹ cho việc đáp ứng phòng chống dịch sởi nói trên.
Dịch sởi tái xuất tại Mông Cổ cũng cho thấy nếu không duy trì tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao và đồng đều ở các địa phương thì dịch sởi vẫn có thể đe dọa cộng đồng, kể cả ở các quốc gia đã công bố loại trừ bệnh sởi.
Dự án TCMR