Trả lời câu hỏi trực tuyến tuần từ 06/8/2018 – 12/8/2018

 

Câu hỏi 1:

Linh Vũ, HN hỏi:

Thưa các bác sỹ, tôi xem trên mạng thấy bác sỹ người nước ngoài chăm sóc trẻ rất tốt khi tiêm chủng, các bác sỹ của ta có nên làm như vậy để trẻ không quấy khóc khi tiêm

Trả lời:

Quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế hiện nay là quy trình theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Về cơ bản là giống nhau giữa các nước. 

Phụ huynh cần động viên trẻ để trẻ không quá sợ khi đưa trẻ đi tiêm chủng. 

Nhiều trẻ có tâm lý sợ hãi khi thấy cán bộ y tế là do một số phụ huynh hay dọa trẻ. Phụ huynh không nên tạo cho trẻ tâm lý lo sợ khi phải tiếp xúc với cán bộ y tế. 

Câu hỏi 2:

Trịnh Thị Tuyết Mai hỏi:

Con trai tôi đã được tiêm mũi 1 vắc xin sởi đơn vào lúc cháu được 10 tháng rưỡi, theo lịch thì đến nay cháu 18 tháng rưỡi thì sẽ tiêm mũi 2 nhắc lại. Nhưng cháu lại được tiêm 1 mũi sởi – quai bị – rubella khi cháu 15 tháng rưỡi. Vậy nay đến thời điểm tiêm mũi sởi – rubella này cháu có cần tiêm lại hay không? Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cháu thuộc diện tiêm lần này. Chỉ trừ những cháu mới tiêm vaccine có thành phần sởi trong vòng 1 tháng sẽ không tiêm trong đợt này.

Câu hỏi 3:

Nguyễn Mạnh Vũ hỏi:

Vaccine sởi – rubella được sử dụng trong chương trình tiêm bổ sung cho trẻ 1-5 tuổi đợt này là vaccine gì, có thống nhất ở tất cả các địa phương hay không?

Trả lời:

Hiện nay, chúng ta đã thay thế hoàn toàn vắc xin sởi – rubella nhập khẩu bằng vắc xin sởi – rubella do Việt Nam sản xuất để sử dụng trong Chương trình TCMR từ năm 2018. Toàn bộ các trẻ em thuộc diện đối tượng trong tiêm chủng thường xuyên trên cả nước và Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella sắp tới sẽ sử dụng đồng bộ vắc xin do Việt Nam sản xuất.

Câu hỏi 4:

Vũ Hạnh, công nhân hỏi:

Thưa bác sỹ Tuấn, dấu hiệu nhận biết trẻ có thể gặp tai biến sau tiêm chủng cụ thể như thế nào? Chúng tôi cũng muốn biết sơ qua để nếu trường hợp con mình có dấu hiệu thì có thể đưa đến cơ sở y tế kịp thời?

Trả lời:

Sau khi tiêm chủng, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm trong vòng 30 phút và theo dõi tại nhà 24 - 48h đồng hồ. Khi cha mẹ thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào của trẻ như: sốt cao, co giật tím tái, li bì, khó thở, khóc kéo dài không dỗ được, thì phải đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để khám và xử trí kịp thời.

Còn thông thường, sau khi tiêm chủng, trẻ có thể sốt nhẹ, đau tại vết tiêm, các dấu hiệu này sẽ sớm biến mất sau 1 - 2 ngày mà không cần điều trị gì.

Câu hỏi 5:

Lương Thị Tường hỏi:

Chào bác sĩ, tôi thấy gần nhà tôi có cháu được hơn 1 tuổi. Mẹ cháu nói cháu đã tiêm 1 mũi vắc xin sởi theo lịch của Trạm Y tế phường tuy nhiên đợt vừa rồi cháu vẫn mắc sởi. Bác sĩ có thể giải thích giúp có phải vắc xin sởi không có tác dụng với cháu không?

Trả lời:

Sau khi tiêm phòng không phải 100% các trường hợp sẽ phòng được bệnh. Khả năng phòng bệnh sẽ phụ thuộc vào đáp ứng miễn dịch của từng cá thể và nguồn lây truyền xung quanh. Trường hợp cụ thể của trẻ này có thể trẻ chưa đủ miễn dịch phòng bệnh sau khi tiêm một mũi, nên đã bị mắc bệnh trước khi đến lịch tiêm nhắc lại.

Vì vậy, sau khi tiêm chủng vẫn phải thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân và thực hiện những mũi tiêm chủng nhắc lại đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Dự án TCMR

 

 

Các câu hỏi khác