Trẻ mắc bệnh nặng do cha mẹ anti vắc xin

Mới đây Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé gái (17 tháng tuổi, ở Hà Nam) nhập viện do sốt cao và kèm thao nổi ban khắp người. Gia đình cho biết, khởi đầu bé nổi ban khắp mặt sau đó lan xuống lưng, ngực, tay.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, bé gái được các bác sĩ kết luận mắc sởi. Qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ phát hiện đây là trường hợp bệnh nhân chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Theo phản ánh từ bà của bệnh nhi, bé gái này không được tiêm do: “Bố mẹ cháu đọc trên mạng xã hội, lo sợ phản ứng sau khi tiêm nên nhất định không cho cháu tiêm phòng”.

Thống kê của khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, hầu hết các trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi điều trị tại khoa đều chưa tiêm phòng, trong đó có cả những trường hợp mắc bệnh do cha mẹ nhất định không cho con tiêm vắc xin. “Chúng tôi đã rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do các biến chứng nặng sau khi mắc sởi do chưa tiêm và không được tiêm vắc xin”.

TS - BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá, gần đây, xuất hiện nhiều thông tin tự phát khuyến khích cha mẹ không tiêm vắc xin phòng bệnh cho con. Và không ít cha mẹ đã không cho con tiêm chủng dẫn đến hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, trong đó có sởi.

Trường hợp điển hình là một bé trai 20 tháng tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng, phim chụp X-quang có hình ảnh nốt mờ rải rác hai phổi. Cháu bé được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp một trong những biến chứng nguy hiểm, nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ nhỏ mắc sởi. May mắn, sau gần 3 tuần được các bác sĩ tích cực điều trị, cháu bé đã qua cơn nguy kịch. “Điều đáng nói là dù đã gần 2 tuổi, nhưng bé chưa được gia đình cho tiêm phòng”, bác sĩ lo ngại.

 Chủ động tiêm chủng để dự phòng bệnh sởi

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đặc biệt lưu ý, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc.  Như vậy, việc tiêm chủng các vắc xin cơ bản trong chương trình TCMR là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai, để bảo đảm những thế hệ trẻ em khỏe mạnh, là quyền lợi của trẻ và là trách nhiệm của cha mẹ đã được luật quy định. Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng. Nếu nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ cộng đồng không được bảo vệ thì bệnh dịch sẽ quay trở lại, bùng phát. “Trước những quan điểm về anti vắc xin, mỗi gia đình, các bà mẹ chúng ta đều cần cẩn trọng khi tiếp nhận vì rất có thể tính mạng của con em phụ thuộc vào quyết định của người cha mẹ”, ông Phu nói.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chia sẻ: “Trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ cao nhất mắc bệnh truyền nhiễm, có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Tiêm chủng không chỉ giúp cho những người được tiêm chủng không mắc bệnh mà còn phòng bệnh cho những người không thể tiêm chủng do chống chỉ định, do đang điều trị các bệnh cấp tính, trẻ nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng...

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, việc thanh toán bệnh bại liệt đã giúp Chính phủ của các quốc gia tiết kiệm được 1,5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí vắc xin, điều trị và phục hồi chức năng. Việc thanh toán bệnh Đậu mùa giúp tiết kiệm được 275 triệu USD mỗi năm cho chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Một nghiên cứu đã ước tính là 100 triệu USD đầu tư cho việc thanh toán bệnh tật trong vòng 10 năm sau 1967 đã tiết kiệm được cho thế giới khoảng 1,35 tỷ USD/năm. 

Tại Việt Nam triển khai TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, cụ thể: đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng như bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh trên 100.000 dân so với năm 1984 đến nay đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần.

Dự án TCMR

Các tin khác