Thành quả
THÀNH QUẢ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG
1. Tăng độ bao phủ của Chương trình
Chương trình TCMR bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 80. Địa bàn được bao phủ dịch vụ TCMR tăng dần hàng năm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã trên phạm vi toàn quốc.
- Tuyến tỉnh: Từ 27% năm 1982 tăng lên 100% số tỉnh thành đã có dịch vụ TCMR vào năm 1985, tức là chỉ 4 năm kể từ khi bắt đầu triển khai Chương trình.
- Tuyến huyện: Từ 9,8% năm 1982 đã đạt tỷ lệ 100% vào năm 1989, khoảng 8 năm sau khi khởi động Chương trình.
- Tuyến xã: Từ một tỷ lệ rất thấp (khoảng 5%) vào năm 1982, tỷ lệ bao phủ tăng nhanh trong vòng 8 năm đầu, đạt trên 90% vào năm 1989. Tuy nhiên, để có tỷ lệ 100% số xã được bao phủ dịch vụ TCMR (xóa xã trắng) cũng phải mất 8 năm nữa. Lý do đây là những xã, ấp, bản, buôn vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo xa xôi, việc tiếp cận dịch vụ rất khó khăn, do chưa có đường giao thông, cơ sở y tế, lưới điện, dân trí chưa cao...
2. Tăng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên phạm vi toàn quốc
Kể từ năm 1994, sau khi 100% số xã phường trên toàn quốc đã được bao phủ Chương trình TCMR, tỷ lệ số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trở thành một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của Chương trình.
Tỷ lệ này liên tục tăng lên theo các năm và kể từ năm 1995 luôn được duy trì ở mức trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Kể từ năm 2004 tỷ lệ này luôn được duy trì mức trên 90% ở quy mô tuyến huyện (trừ năm 2007 do thiếu vắc xin sởi).
Biểu đồ 1. Kết quả tiêm chủng đầy đủ toàn quốc giai đoạn 1985 - 2012
3. Đạt và duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt
Thực hiện các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liên tục trong các năm từ 1998 đến năm 2010, Việt Nam đã đạt được những kết quả sau:
Biểu đồ 2. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin OPV và tỷ lệ mắc bệnh bại liệt, năm 1985 – 2012
- Trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt trong tiêm chủng thường xuyên.
- Tăng cường hoạt động của Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Việt Nam và kiểm soát việc lưu giữ các bệnh phẩm có liên quan tới vi rút bại liệt tại các phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cao.
- Hai phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia giám sát vi rút bại liệt hoạt động có hiệu quả và liên tục đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trong các đợt đánh giá hàng năm của WHO.
- Đạt chỉ tiêu về giám sát liệt mềm cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương liên tục trong 10 năm gần đây.
- Việt Nam không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại và tiếp tục bảo vệ thành công thành quả Thanh toán bệnh bại liệt kể từ năm 2000. Liên tục từ năm 1997 đến nay Việt Nam không có ca bệnh bại liệt, đi cùng với tỷ lệ uống vắc xin bại liệt thường xuyên rất cao trên 95%.
4. Đạt và duy trì thành quả loại trừ Uốn ván sơ sinh (UVSS)
Bảng 1. Kết quả duy trì thành quả loại trừ UVSS
- Duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 80%.
- Thực hiện tiêm vắc xin uốn ván cho nữ tuổi sinh đẻ tại một số vùng nguy cơ cao thường xuyên đạt trên 90%.
- Tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt cao: 88,7%.
- Triển khai giám sát chết sơ sinh và mắc UVSS chặt chẽ thường xuyên tại tất cả các tuyến.
- Tỷ lệ mắc UVSS của Việt Nam liên tục giảm từ năm 1991 đến nay, đi cùng với tỷ lệ tăng dần của mũi tiêm UV2+ cho trẻ dưới 1 tuổi và tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi).
Kể từ năm 2005 (năm công bố thành công loại trừ UVSS) đến 2011, tỷ lệ mắc UVSS thường xuyên đạt 0,04/100.000 dân, và 100% số huyện trên toàn quốc đạt chỉ tiêu loại trừ UVSS của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đề ra.
Biểu đồ 3. Tỷ lệ tiêm UV2+ ở PNCT và tỷ lệ mắc UVSS, 1991-2012
5. Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi
a. Nâng cao tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng
- Duy trì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt trên 95%. Trong đó 585/696 (84,1% số huyện) có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi đạt > 95%.
- Thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trên 4 triệu đối tượng từ 9 tháng tuổi tới 20 tuổi tại 22 tỉnh miền Bắc, khu vực Tây Nguyên năm 2007 - 2008. Triển khai chiến dịch toàn quốc tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trên 7 triệu trẻ từ 1-5 tuổi, đạt 96,5% vào năm 2010.
- Khoảng 8 triệu trẻ 6 tuổi được tiêm mũi 2 vắc xin sởi từ năm 2006 - 2010, đạt tỷ lệ hàng năm trên 90%.
b. Tăng cường công tác giám sát sởi bao gồm giám sát dịch tễ học và giám sát phòng thí nghiệm bệnh sởi tại các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia
Đưa hệ thống giám sát phòng thí nghiệm vi rút sởi tại 4 Viện Vệ sinh Dịch tễ/ Pasteur đi vào hoạt động. Hai phòng thí nghiệm thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã được WHO công nhận là phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc gia. Bên cạnh việc thực hiện xét nghiệm ELISA chẩn đoán bệnh sởi, hai phòng thí nghiệm này còn triển khai kỹ thuật phân tích gen góp phần nâng cao chất lượng giám sát phòng thí nghiệm bệnh sởi.
c. Đáp ứng xử lý vụ dịch sởi kịp thời.
Các vụ dịch sởi đã được phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời. Tổ chức triển khai chiến dịch quy mô nhỏ tiêm chủng bổ sung cho toàn bộ đối tượng có nguy cơ tại khu vực ổ dịch. Việc thực hiện chiến dịch toàn quốc tiêm bổ sung vắc xin sởi đã góp phần quan trọng giảm số mắc sởi, không để xảy ra tử vong, khống chế thành công bệnh sởi.
d. Kết quả khống chế ca bệnh và tử vong do sởi
Tỷ lệ mắc sởi của Việt Nam liên tục giảm từ năm 1984 đến nay (từ 1.566,2/100.000 dân năm 1984 xuống 29,8/100.000 dân năm 2010, sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn quốc cuối năm 2010 tỷ lệ mắc sởi tiếp tục giảm còn 8,6/100.000 năm 2011), đi cùng với tỷ lệ tăng dần của các mũi tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 1 tuổi. Liên tục trong 8 năm từ năm 2003, không ghi nhận ca tử vong do sởi trên toàn quốc.
Biểu đồ 4. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và tỷ lệ mắc sởi tại Việt Nam, 1984-2012
Tuy nhiên, từ năm 2005 tới 2009, tỷ lệ mắc sởi có xu hướng tăng nhẹ là do sự tích lũy các đối tượng cảm nhiễm ở nhóm trẻ em chưa đến tuổi tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi (dưới 6 tuổi). Chương trình TCMR đã chủ động triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc và điều chỉnh lịch tiêm mũi thứ hai vắc xin sởi trong tiêm chủng thường xuyên từ 6 tuổi xuống 18 tháng tuổi. Từ năm 2011 đến năm 2012, số lượng ca sởi giảm mạnh cho thấy sự đúng đắn của các chiến lược tiêm chủng vắc xin sởi. Đồng thời với những nỗ lực triển khai vắc xin sởi trên diện rộng trong các năm tới đây, Việt Nam đang tiến gần đến mục tiêu loại trừ bệnh sởi cùng với các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
6. Giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi
a. Tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin viêm gan B (VGB)
Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Tỷ lệ nhiễm HBsAg ở nhiều nhóm quần thể cao hơn 8%. Vắc xin viêm gan B được triển khai lần đầu trong TCMR từ năm 1997 tại 2 địa bàn là Thành Phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số tỉnh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B tăng dần qua các năm từ 29 tỉnh năm 1998 lên 42 tỉnh năm 2000. Từ năm 2003, được sự hỗ trợ của tổ chức GAVI, vắc xin VGB được triển khai cho trẻ dưới 1 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên với 100% số huyện trên toàn quốc được bao phủ. Từ năm 2006 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đủ 3 mũi ở trẻ dưới 1 tuổi luôn đạt trên 90%, ngoại trừ năm 2007 đạt thấp do tình trạng thiếu vắc xin.
Hạn chế lớn nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm vắc xin VGB trong vòng 24 giờ sau sinh vẫn đạt thấp, đặc biệt các năm 2007, 2008 và 2010 đạt dưới 30%. Có nhiều nguyên nhân khách quan về mặt xã hội và sự chấp nhận của người dân. Bên cạnh đó công tác quản lý, điều hành TCMR được từng bước nâng cao, cách thức đưa dịch vụ tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh cũng được thay đổi. Được sự ủng hộ, chỉ đạo của Bộ Y tế, sự vào cuộc của Sở Y tế các tỉnh/thành, các bệnh viện tỉnh, huyện, vắc xin VGB đã được cung cấp đến hàng triệu trẻ sơ sinh, góp phần phòng chồng lây nhiễm vi rút VGB từ mẹ sang con.
Biểu đồ 5. Tỷ lệ tiêm vắc xin VGB3, 1997-2012
b. Kết quả đánh giá hiệu quả tiêm vắc xin VGB
Trong năm 2010, Chương trình TCMR triển khai cuộc điều tra "Đánh giá hiệu quả của tiêm chủng vắc xin viêm gan B giai đoạn 2000-2008" thông qua đó xác định tỷ lệ nhiễm HBsAg ở trẻ em Việt Nam. Điều tra được tiến hành tại 51 tỉnh/thành phố với trên 7.000 trẻ sinh ra từ năm 2000 đến năm 2008. Kết quả cho thấy việc có tiêm vắc xin VGB giảm đáng kể tỷ lệ trẻ mang HBsAg (p<0,05) so với nhóm trẻ không được tiêm. Ngoài ra việc tiêm vắc xin đủ mũi cơ bản (3 mũi) đã hạ thấp đáng kể tỷ lệ trẻ mang HBsAg (p<0,05) so với các nhóm trẻ tiêm chưa đủ mũi (1 hoặc 2 mũi).
Đặc biệt kết quả điều tra cho thấy xu hướng giảm tỷ lệ nhiễm vi rút VGB một cách rõ rệt của các nhóm trẻ sinh ra trong giai đoạn 2000-2008. Nhóm trẻ 5 tuổi tại thời điểm điều tra (trẻ sinh 2006) có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là 1,89%, đạt được mục tiêu của WHO về giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2012 và tiến tới giảm tỷ lệ này xuống dưới 1% trong tương lai.
Bảng 3. Tỷ lệ trẻ 2-10 tuổi mang HBsAg theo tình trạng tiêm chủng năm 2010
Biểu đồ 6. Tỷ lệ trẻ 2-10 tuổi mang HBsAg theo số mũi tiêm năm 2010
Kết quả điều tra cũng cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin VGB liều sơ sinh trong vòng 24 giờ trong việc làm giảm tỷ lệ nhiễm vi rút VGB ở trẻ em Việt Nam. Nguy cơ nhiễm HBsAg ở nhóm được tiêm chủng sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh thấp hơn rõ rệt (OR: 2,51; 95% CI: 1,51-4,15) so với nhóm không được tiêm vắc xin trong vòng 7 ngày đầu sau sinh.
Bảng 4. Hiệu quả phòng nhiễm vi rút VGB của mũi tiêm sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh ở nhóm trẻ 2-10 tuổi, năm 2010
7. Giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà
a. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT cao ở các nhóm đối tượng
Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT3 trong nhiều năm đạt trên 90%. Mặc dù năm 2010 là năm bắt đầu triển khai vắc xin DPT dưới dạng vắc xin phối hợp (DPT-VGB-HiB) nhưng tỷ lệ DPT3 vẫn đạt cao 93,4%. Thống kê năm 2010 cho thấy 583/696 huyện (84% số huyện) đạt tỷ lệ DPT3 > 90%.
Bên cạnh đó, thực hiện khuyến cáo của WHO, Việt Nam đã triển khai tiêm nhắc mũi 4 vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi từ giữa năm 2011 trên phạm vi toàn quốc.
Biểu đồ 7. Tỷ lệ tiêm DPT3 và tỷ lệ mắc bạch hầu tại Việt Nam, 1984-2012
Biểu đồ 8. Tỷ lệ tiêm DPT3 và tỷ lệ mắc ho gà tại Việt Nam, 1984-2012
b. Giảm liên tục số ca mắc và tử vong bệnh bạch hầu và uốn ván
Bảng 5. Tình hình bệnh bạch hầu ở Việt nam năm 2005 – 2012
Tỷ lệ mắc bạch hầu liên tục giảm từ năm 1984 đến nay, tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng DPT. Trong vòng 5 năm gần đây Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,04/100.000 dân. Đặc biệt năm 2010 tỷ lệ mắc bạch hầu trên 100.000 dân xuống dưới 0,01 với 6 ca rải rác và chỉ xảy ra duy nhất ở một tỉnh (TP. Hồ Chí Minh).
Bảng 6. Tình hình bệnh ho gà ở Việt Nam năm 2005 - 2012
Tỷ lệ mắc ho gà cũng liên tục giảm từ năm 1984 đến nay tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng DPT. Liên tục từ năm 2006 đến nay không có ca tử vong do ho gà. Trong vòng 5 năm gần đây đã khống chế tỷ lệ mắc ho gà xuống dưới 0,32/100.000 dân. Đặc biệt năm 2010 tỷ lệ mắc ho gà giảm xuống còn 0,1/100.000 dân với 81 ca mắc tản phát, giảm 28,6% so với năm 2008. Không để xảy ra dịch bệnh ho gà.
8. Mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn
Ngày 18/8/1997 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề nghị của Bộ Y tế về việc đưa thêm các vắc xin mới vào triển khai trong chương trình TCMR là các vắc xin Viêm não Nhật Bản, Tả và Thương hàn.
- Vắc xin viêm não Nhật Bản: Được liên tục mở rộng diện bảo phủ qua các năm. Năm 1997 triển khai tại 11 huyện trọng điểm về dịch tễ học của 11 tỉnh phía Bắc với tỷ lệ tiêm đạt trên 95% trẻ dưới 5 tuổi theo địa bàn tiêm. Tính đến năm 2011, số tỉnh triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đã đạt tới 59/63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ trẻ tiêm đủ 3 mũi cơ bản đạt trên 90% theo tuyến tỉnh.
- Vắc xin thương hàn: Được đưa vào chương trình TCMR năm 1997 với kế hoạch triển khai trong những năm đầu tiên tiêm cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi tại 6 tỉnh phía Nam là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu và 2 huyện của 2 tỉnh phía Bắc là Lào Cai và Sơn La. Diện triển khai ngày càng được mở rộng (nhiều nhất là năm 2005 tại 35 tỉnh/TP). Trong những năm trở lại đây do kinh phí hạn hẹp nên vắc xin thương hàn chỉ được tiêm tại những vùng nguy cơ cao và vẫn được duy trì ở tỷ lệ cao cho đối tượng có chỉ định tiêm dự phòng.
- Vắc xin phòng tả: Được đưa vào chương trình TCMR Việt Nam từ năm 1998 với mục tiêu chính là dự phòng chủ động cho trẻ em ở những vùng có nguy cơ cao mắc bệnh tả. Sau 14 năm triển khai đã có trên 7 triệu liều vắc xin tả dạng uống được sử dụng ở gần 12 tỉnh, thành phố và trên 50 huyện trên toàn quốc. Tại những huyện được bao phủ, tỷ lệ sử dụng vắc xin tả thường xuyên đạt từ 80% tới trên 95% số trẻ trong diện đối tượng. Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất đưa vắc xin tả vào chương trình TCMR để dự phòng và góp phần chống dịch tả hiện còn lưu hành những năm gần đây.
9. Khen thưởng
a. Khen thưởng trong nước
Để ghi nhận thành công của chương trình TCMR đã cùng với ngành Y tế trong cả nước đạt được những thành quả to lớn, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Bằng khen cho các tập thể và cá nhân của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh/TP, Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã/phường trong nhiều năm qua. Cụ thể:
- Huân chương Lao động hạng Nhất: 01 huân chương
- Huân chương Lao động hạng Nhì: 04 huân chương
- Huân chương Lao động hạng Ba: 35 huân chương
- Huân chương Độc lập hạng Ba: 01 huân chương
- Bằng khen Chính phủ: 171 bằng khen
- Bằng khen Bộ Y tế: 2.834 bằng khen
b. Ghi nhận thành công TCMR Việt Nam trên trường quốc tế
Trong nhiều năm qua, Việt Nam được đánh giá là “Điểm sáng” về triển khai Chương trình TCMR trong khu vực và trên thế giới.
- Năm 2000: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá và công nhận Thanh toán Bại liệt tại Việt Nam.
- Năm 2005: Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá và công nhận Loại trừ Uốn ván sơ sinh trên quy mô tuyến huyện.
- Năm 2007: Bill Gates thăm và làm việc với Chương trình TCMR Việt Nam và đánh giá cao mô hình tổ chức và những thành quả mà Chương trình TCMR ở Việt Nam đã đạt được.
- Năm 2009: Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tặng kỷ niệm chương cho Chương trình TCMR ở Việt Nam về những đóng góp làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Hội nghị thường niên.
- Năm 2010: Nhân dịp 10 năm sử dụng VVM, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao Việt Nam triển khai tốt việc áp dụng chỉ thị nhiệt độ lọ vắc xin trong TCMR.
- Nhiều chuyên gia các nước, các tổ chức quốc tế được cử sang trao đổi, học hỏi kinh nghiệm triển khai TCMR của Việt Nam, nhiều hội thảo và các khóa đào tạo quốc tế về TCMR được tổ chức tại Việt Nam cho thấy sự ghi nhận và đánh giá cao của các tổ chức quốc tế.